Bếp được xem là nơi giữ lửa, là nơi yên vui, sum họp ấm cúng của cả gia đình. Phòng bếp cũng là không gian phức tạp, nhiều thiết bị đồ nội thất nhất. Do đó khi thiết kế nội thất phòng bếp, có rất nhiều vấn đề gia chủ cần phải chú trọng. Trong bài viết này, Brocons sẽ trình bày một số vấn đề cần lưu ý khi thiết kế nội thất phòng bếp.
Chọn kiến trúc phòng bếp
Lưu ý đầu tiên khi thiết kế phòng bếp là lựa chọn kiến trúc phù hợp với không gian căn nhà cũng như sở thích của gia chủ. Hiện nay, phòng bếp thường được thiết kế theo các kiểu: đường đơn, đường đôi, hình chữ L và hình chữ U. Cho dù thiết kế theo mẫu nào cũng phải chú ý sự hài hòa giữa tỷ lệ bếp với kích thước của cửa sổ, cửa ra vào.
Phòng bếp thường là nơi các thành viên trong gia đình tụ họp, do đó phòng bếp phải đảm bảo không gian cho các thành viên trong gia đình. Nếu căn bếp nhà bạn có diện tích nhỏ như chung cư hay nhà phố nên thiết kế phòng bếp mở, nối liền với không gian phòng khách điều này sẽ có lợi về mặt diện tích hơn. Còn đối với những căn bếp có điều kiện về không gian, có thể thiết kế một đảo bếp hoặc dạng quầy bar, để có không gian cho các thành viên giao tiếp trong khi nấu ăn.
Yếu tố ánh sáng
Ánh sáng là một yếu tố quan trọng khi thiết kế phòng bếp. Không gian phòng bếp đòi hỏi ánh sáng thiết kế cao hơn so với không gian khác trong nhà. Lượng ánh sáng phải đủ cho không gian bếp nấu, không gian bàn ăn. Bởi ánh sáng đủ mới đảm bảo an toàn đầu bếp cũng như giúp cho các thành viên trong gia đình cảm thấy thư giãn và ấm áp hơn mỗi khi quây quần bên căn bếp. Bạn có thể lắp hệ thống đèn Led ngay dưới tủ bếp để đảm bảo đủ ánh sáng và đồng thời sự phản quang ánh sáng sẽ tạo cảm giác ấm cúng hơn.
Hệ thống lọc không khí
Lắp đặt hệ thống máy lọc không khí là điều không thể thiếu khi thiết kế phòng bếp, nếu như bạn không muốn căn bếp của bạn nhanh ẩm mốc và ám mùi. Thậm chí, ngay cả những căn bếp có nhiều cửa sổ, mùi vẫn bám dai trong nhà, phải rất lâu sau mới bay bớt mùi. Huống chi những những căn phòng bếp nhà phố san sát khó có cửa sổ.
Để hiệu quả và an toàn hệ thống lọc khí hút mùi nên đặt cách mặt bếp với chiều cao tối thiểu là 80cm. Ổ điện bạn cũng nên chú ý để cao hơn mặt bếp tối thiểu là 20cm để tránh gây cháy nổ. Ngoài ra, mỗi gia đình nên có thêm bình chữa cháy trong căn bếp, để phòng những trường hợp rủi ro, cháy nổ.
Lựa chọn thiết bị phòng bếp
Trước tiên cần phải xác định nhu cầu sử dụng các thiết bị trong phòng bếp, điều này phụ thuộc mỗi gia đình. Có những gia đình chỉ phòng bếp đơn giản, phục vụ bữa cơm gia đình đơn giản. Tuy nhiên, cũng có những gia đình đam mê nấu nướng, thích một căn bếp rộng tiện nghi nhiều thiết bị đồ dùng. Tùy theo, nhu cầu mỗi gia đình lên kế hoạch số lượng những thiết bị cần thiết, từ đó bố trí vị trí. Nhằm tránh những trường hợp phát sinh ngoài ý muốn quá nhiều thiết bị nhưng lại thiết kế không đủ không gian để đặt chúng hoặc kích cỡ thiết bị quá lớn so với không gian để đồ.
Sắp xếp thiết bị nội thất phòng bếp
Việc bố trí các thiết bị gia dùng trong không gian phòng bếp chú trọng vấn đề thuận tiện trong quá trình sử dụng. Áp dụng “quy tắc vàng” trong phòng bếp, đó là tủ lạnh, bồn rửa và bếp nấu sẽ được bố trí theo hình tam giác, để hạn chế việc đi lại. Ở khu vực chế biến thực phẩm, nếu thuận tay phải, bạn hãy bố trí bồn rửa, bàn chế biến và bếp nấu từ trái sang phải. Nếu thuận tay trái, bạn nên xếp ngược lại.
Để có được tiện dùng đó bạn cần lưu ý một số điều như chiều cao tủ đồ, khoảng cách giữa chậu rửa và bếp cần tuân theo các quy định chuẩn mực. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chiều cao của người thao tác chính trong nhà, bạn có thể điều chỉnh một chút để không phải với tay lên quá cao khi lấy bát đĩa hay bị vướng víu khi hai người cùng nấu bếp.
Đảm bảo tính an toàn
Những gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý sử dụng ngăn kéo có khóa để cất dao kéo, nước tẩy rửa, để lò nướng hay các thiết bị nguy hiểm ở độ cao tối thiểu 90cm, để tránh trẻ chạm tay vào bếp hoặc tự ý mở khi lò còn nóng. Những đồ dễ bén lửa như khăn lau bát, rèm cần cách xa bếp, thảm phải chống trơn trượt.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý chọn gạch ốp lát cho phòng bếp, ngoài tính thẩm mỹ còn đảm bảo an toàn, vì không gian bếp thường xuyên tiếp xúc nước rất dễ trơn trượt. Gạch ốp tường nên chọn loại sáng màu, trơn bóng. Gạch lát nền nên chọn loại gạch màu sẫm, nhám chống trơn trượt. Mặt bàn bếp nên sử dụng vật liệu cứng, chống nhiệt như các loại đá tự nhiên và nhân tạo, với khu vực bếp nấu có thể sử dụng kính màu chịu lực ốp tường vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa dễ vệ sinh.
Yếu tố phong thủy
Bếp nằm trong dương trạch tam yếu (cửa chính, phòng ngủ, bếp) có vai trò vô cùng quan trọng trong phong thủy nhà ở. Bố trí các vật dụng, đồ đạc trong nhà bếp nên chia thành 2 nhóm nước và nhóm lửa. Nhóm nước gồm: bồn rửa, tủ lạnh. Nhóm lửa gồm: bếp nấu, lò nướng, lò vi sóng. Hai nhóm vật dụng này không nên đặt sát nhau vì trong phong thủy Hỏa xung khắc Thủy. Khoảng cách tối thiểu giữa lửa và nước là 60cm.
Ngoài ra, Khi thiết kế cửa bếp cần tránh đối diện trực tiếp với cửa nhà vệ sinh. Bởi khi sắp xếp bếp đối diện với nhà vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm vì nhà vệ sinh là nơi chứa nhiều vi khuẩn, không khí ẩm mốc, ô uế.
Trên đây là một số lưu ý khi thiết kế nội thất phòng bếp, hi vọng sẽ hữu ích cho bạn. Nếu như gặp khó khăn, bạn hãy liên hệ với Brocons để được tư vấn và hỗ trợ. Bởi đối với khu vực công năng phức tạp như phòng bếp, khi thiết kế đòi hỏi các kiến trúc phải thật tỉ mỉ và dồn nhiều tâm huyết hơn hẳn.